ĐẬM ĐÀ HƯƠNG VỊ QUÊ HƯƠNG

 

    Sự có mặt của bát nước chấm trong mỗi bữa cơm gia đình đã trở thành một thói quen, nét văn hóa ẩm thực ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Nó không chỉ thể hiện văn hóa trong ăn uống mà còn thể hiện tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh nước mắm cá truyền thống thì ở Hà Tĩnh có một loại nước chấm khác đặc biệt và đã chở thành đặc sản nơi đây, đó là “Chẻo”.

    Chẻo là một món ăn truyền thống. Chính xác hơn là món nước chấm dân dã của người làng Nhượng, người dân vùng ven biển nói riêng và dân Hà Tĩnh nói chung. Ngày xưa, chẻo gần gũi thân thuộc trong mỗi mâm cỗ, bữa cơm của người dân nơi đây mỗi khi tết đến xuân về. Trẻ con ngày ấy chờ chẻo chín để biết rằng Tết Nguyên Đán đã thật gần. Chẻo bê ra, đặt xuống, múc từng muỗng nhỏ mà nếm, mà ăn, mà chèm chẹp. Chao ôi! Dân dã mà ngon đến lạ lùng!

    Được bà nội dạy cách làm chẻo từ khi còn nhỏ, hằng năm, bà Châu vẫn tiếp tục làm chẻo. Chẻo làm ra chỉ để ăn, để biếu người thân. Từ bao đời nay, chưa bao giờ chẻo được bán ra thị trường. Các cụ ngày xưa chắt chiu từng tâm, từng ý của mình vào chẻo cũng chỉ để dành cho con cháu và gia đình thưởng thức khi Tết đến xuân về. Chẻo trở thành món ăn truyền thống của quê hương Hà Tĩnh mà ít nơi có được. Trong một lần tình cờ bà Châu "khoe" tay nghề làm chẻo trên trang Facebook cá nhân. Thật không ngờ, chẻo được các anh chị em, các bạn gần xa quan tâm đón nhận và phản hồi rất tích cực. Từ đấy bà Châu quyết định khôi phục sản xuất với mong muốn đưa “Chẻo“ đi xa hơn, để món ăn truyền thống của Hà Tĩnh đến được tay nhiều thực khách trên toàn quốc, góp phần lưu giữ hương vị quê hương. “Chẻo” không nặng mùi như mắm nêm, không chua như mắm Huế, không mặn chát như nước mắm, càng không gắt như mắm tôm. Chẻo được dung hòa từ những nguyên liệu đồng quê cùng nước mắm ngon nguyên chất, mang hương vị đặc trưng riêng mà ai ăn một lần cũng nhớ.

    Chẻo được chế biến từ những nguyên liệu dân dã đễ tìm nhưng quy trình chế biến lại rất cầu kỳ. Nguyên liệu sau khi sơ chế xong sẽ được trộn đều với nhau theo tỷ lệ cân đối sao cho hỗn hợp được sánh, độ sệt vừa phải, để mỗi mẻ chẻo làm ra được đúng vị. Chẻo sau khi làm xong chưa được sử dụng ngay mà phải ủ để lên men trong vòng 15 ngày, lúc chẻo chín sẻ ngả màu vàng và có mùi thơm của thính cùng lạc hòa quyện vào mùi thơm của tỏi, ớt và độ sóng sánh của nước dùng tạo nên hương vị thơm ngon, béo ngậy, đậm đà khó quên.

    Với mong muốn “Chẻo” không chỉ xuất hiện trong bữa cơm hàng ngày của người dân Hà Tĩnh mà sẽ có mặt trên bàn ăn của nhiều thực khách trên cả nước, Chẻo Bà Châu đang dần hoàn thiện để trở thành sản phẩm OCOP uy tín chất lượng của tỉnh.